Một báo cáo cho thấy việc Bắc Cực ấm lên nhanh chóng có thể gây ra sự lây lan của chất thải hạt nhân, virus lạ và vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.
Chất thải hạt nhân, virus và hóa chất
Viết trên Nature Climate Change, Tiến sĩ Arwyn Edwards từ Đại học Aberystwyth đồng tác giả với các học giả từ các trường đại học ở Mỹ và Phòng thí nghiệm Lực đẩy Phản lực của NASA ở Nam California, cho biết, Bắc Cực là nơi chứa nhiều loại hợp chất hóa học khác nhau có nguồn gốc từ các quá trình tự nhiên, tai nạn hay lưu trữ có chủ ý.
Băng tan được coi là nguyên nhân góp phần vào việc phát thải khí nhà kính vì các kho khổng lồ lưu trữ cácbon trong đất Bắc Cực được thải vào khí quyển dưới dạng khí cacbonic và mêtan, cũng như gây ra sự thay đổi đột ngột đối với cảnh quan. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu cho thấy tác động của nó phổ biến hơn và ít được biết đến hơn – với khả năng phát tán chất thải hạt nhân và bức xạ, các loại virus chưa xác định và các chất hóa học đáng lo ngại khác.
Từ năm 1955 đến 1990, Liên Xô đã tiến hành 130 vụ thử vũ khí hạt nhân trong khí quyển và trên bề mặt đại dương gần quần đảo Novaya Zemlya, ngoài khơi bờ biển phía tây bắc nước Nga. Các cuộc thử nghiệm sử dụng 224 thiết bị nổ riêng biệt, giải phóng năng lượng hạt nhân tương đương khoảng 265 megaton và hơn 100 tàu ngầm hạt nhân ngừng hoạt động đã bị đánh đắm ở vùng biển Kara và Barents gần đó.
Bất chấp việc chính phủ Nga đưa ra kế hoạch chiến lược làm sạch, báo cáo lưu ý rằng khu vực này đã được xác định ẩn chứa khối lượng rất lớn về chất phóng xạ cesium và plutonium, giữa trầm tích dưới đáy biển, thảm thực vật và các tảng băng. Cơ sở nghiên cứu dưới băng chạy bằng năng lượng hạt nhân Camp Century của Mỹ ở Greenland cũng tạo ra chất thải hạt nhân và diesel đáng kể.
Chất thải ngừng sử dụng vào năm 1967 vốn được để lại trong lớp băng tích tụ, phải đối mặt với mối đe dọa lâu dài hơn từ những thay đổi đối với lớp băng ở Greenland. Vụ tai nạn máy bay ném bom Thule năm 1968 tại đây cũng làm phát tán một lượng lớn plutonium trên dải băng Greenland. Chất thải phóng xạ tiềm tàng từ các tàu ngầm hạt nhân và lò phản ứng thời Chiến tranh Lạnh và do hoạt động khai thác mỏ…, có thể được giải phóng khi băng tan.
Vi khuẩn kháng kháng sinh
Lớp băng vĩnh cửu dày hơn 3m là một trong số ít môi trường trên Trái đất chưa tiếp xúc với các loại thuốc kháng sinh hiện đại. Hơn 100 vi sinh vật đa dạng trong lớp băng vĩnh cửu sâu ở Siberia đã được phát hiện là có khả năng kháng thuốc kháng sinh khi lớp băng vĩnh cửu tan đi.
Chúng có khả năng hòa trộn với nước băng tan và tạo ra các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh. Việc các lớp băng vĩnh cửu lộ ra đột ngột và không thể kiểm soát làm tăng cơ hội phát sinh đồng thời nhiều chủng loại trong nhiều năm.
Nhiên liệu hóa thạch
Cùng với các sản phẩm phụ của nhiên liệu hóa thạch kể từ khi cuộc Cách mạng Công nghiệp bắt đầu, trong môi trường Bắc Cực cũng chứa các mỏ kim loại tự nhiên, bao gồm asen, thủy ngân và niken. Theo báo cáo, việc khai thác những khoáng sản này trong nhiều thập kỷ đã gây ra ô nhiễm rất nặng trên hàng chục triệu hec-ta bởi chất thải.
Các chất ô nhiễm và hóa chất có nồng độ cao trước đây được lưu trữ trong lớp băng vĩnh cửu có thể được thải ngược trở lại bầu khí quyển khi nó tan chảy và dòng nước tăng lên đồng nghĩa với việc nó có thể phân tán rộng rãi, gây hại cho các loài động vật và chim cũng như xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người.
Hơn 1.000 khu định cư nhằm phục vụ khai thác tài nguyên, các dự án quân sự và khoa học, đã được tạo ra trên lớp băng vĩnh cửu trong suốt 70 năm qua và điều đó, cùng với dân cư địa phương, làm tăng khả năng tiếp xúc hoặc phát thải ngẫu nhiên. Báo cáo của các nhà khoa học cho thấy, bất chấp những phát hiện của các nhà khoa học, nhiều hiện tượng vẫn chưa được hiểu rõ, phần lớn chưa được quan tâm, và nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực này là rất quan trọng để có được nhận thức sâu sắc hơn về các rủi ro tiềm ẩn.
Tiến sĩ Arwyn Edwards nhấn mạnh: “Những thay đổi về khí hậu và sinh thái của Bắc Cực sẽ ảnh hưởng đến mọi nơi trên hành tinh khi nó cung cấp cacbon trở lại bầu khí quyển và làm tăng cao mực nước biển. Từ lâu, Bắc Cực đã trở thành một tủ đông lạnh chứa nhiều thứ có hại, không chỉ là khí nhà kính. Chúng ta cần hiểu thêm về số phận của những vi khuẩn có hại và chất ô nhiễm và vật liệu hạt nhân này để hiểu đúng về những mối đe dọa mà chúng có thể gây ra.
Các hành động cấp thiết cần được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh COP26 vào tháng tới vì những phát hiện trên khiến bất kỳ ai cũng phải quan tâm. Cũng như việc hoàn thành các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và giảm sự gia tăng nhiệt độ khí hậu toàn cầu xuống 1,5 độ C, cần phải có cam kết và tài trợ ngay lập tức cho các nghiên cứu trong lĩnh vực này. Điều khiến chúng ta lo lắng là chúng ta vẫn chưa hiểu biết nhiều về Bắc Cực, tầm quan trọng của nó đối với tất cả tương lai của chúng ta và tại sao nó đáng được bảo vệ”.